top of page

TÙY DUYÊN BẤT BIẾN, BẤT BIẾN TÙY DUYÊN

Bài soạn thuyết trình tại trại Vạn Hạnh 2 Hải ngoại.

THỊ NGUYỆN

Trước hết, chúng ta nhận định "tùy duyên bất biến" là một nguyên tắc khảo sát về thái độ sống hay cũng có thể nói là "nhân sinh quan" mà mọi người, đều áp dụng trong cuộc sống tùy theo cách này hoặc cách khác. Cái thái độ sống này tùy theo con người hành xử, nghĩa là tùy theo văn hóa, tập tục mà người ấy hấp thụ, tùy theo môi trường hiện sống, nên trước một sự kiện con người đã chọn lựa những thái độ khác nhau để biểu lộ tính cách của mình, hoặc những phương thức khác nhau để hoàn thành chủ kiến của mình.

Tôi nhớ trong thời kỳ Phật giáo đấu tranh tại Sài gòn, có một tờ báo in roneo, phát không vào mỗi lúc có thuyết pháp tại Việt Nam Quốc Tự, tên là: "Có Cứng Mới Đứng Đầu Gió", nghĩa là phải ngay thẳng, vững chắc như cây thông mới đương đầu với phong ba bảo táp. Quan niệm "uy vũ bất năng khuất" của nho gia hay là chủ trương "lấy cương chống với cương", phần nhiều chỉ gây đau khổ cho người và cho mình! Cái này có thể nói là chỉ có bất biến mà không tùy duyên!

Hay là như hiện nay tại Hải ngoại, vẫn còn một số quý bác, quý ông bà áp dụng luân lý đạo đức Nho giáo: trong gia đình, cha mẹ quyết định mọi thứ không cần nghe theo ý kiến của con cái. Các thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên trong môi trường hải ngoại, tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau nên đã phản ứng chống đối lại. Sự sống chung giữa hai nền văn hóa, nếu không có sự tương nhượng giữa đôi bên chắc chắn sẽ gây đổ vỡ cho nhiều gia đình. Chúng ta có vô vàn thí dụ điển hình.

Ngược lại, một số khác chủ trương "ăn theo thuở, ở theo thì" nghĩa là chủ trương "tùy thuận", ví như cây liễu, mặc cho phong ba bảo táp, cuồng phong từ tứ phương, tám hướng thổi đến, liễu rạp người xuống, đợi cho cuồng phong lắng động, thì liễu lại vươn mình đứng dậy. Chủ trương sống này có vẽ "ba phải" đằng nào cũng "phải", rốt cuộc là người không có chủ trương, tránh né khó khăn, không dám giải quyết vấn đề, đa số thường nhận định như vậy.

Tuy nhiên, muốn làm "ông ba phải" cũng không dễ, phải có "nội lực" thâm hậu mới chịu nỗi áp lực các nơi. Tôi nhớ có một câu chuyện trong Thiền tông, không nhớ chính xác, nhưng có lẽ kể ra thì nhiều anh chị trong chúng ta nhớ rõ sẽ bổ túc thêm cho hoàn chỉnh. Chuyện kể đại ý rằng: Có ba chú tiểu tranh luận với nhau (đề tài thì tôi quên mất mà có lẽ cũng không cần thiết), chú tiểu A nói rằng theo tôi thì như vầy, chú tiểu B phản đối rằng nó phải như vầy, trong lúc chú C lắng nghe không có chủ kiến. A và B không ai nhường ai, A quyết định vào thư phòng hỏi Sư phụ. Sau khi nghe chú A trình bày, sư phụ bảo A đúng. Chú B không phục, tức tốc vào phòng hỏi sư phụ rằng con nói như vầy, A lại bảo thế kia, sư phụ xem ai đúng. Sư phụ lúc nầy lại bảo B đúng. Chú C hoài nghi, rõ ràng là A và B chủ ý ngược với nhau, sao Sư phụ lại bảo rằng cả hai cùng đúng. Chú C lại vào chất vấn rằng Sư phụ "ba phải" chăng? Sư phụ từ tốn mỉm cười và trả lời con nói cũng đúng!

Thưa các anh, các chị cùng một vấn đề với những ý kiến khác biệt. mà vị Thiền sư lại gật đầu đồng ý tất cả, tại sao thế ?...

Những kẻ xấu ác xử dụng phương châm: "Mục đích biện minh cho Phương tiện " để diễn đạt tinh thần "Tùy duyên bất biến", rồi vì để bảo vệ cho mục đích mà họ cho là "bất biến" đã áp dụng bất kỳ phương tiện nào gọi là tùy duyên. Từ đó gây biết bao nhiêu đau khổ, tang thương từ trong gia đình, đến xã hội và cho cả đất nước, dân tộc. Chúng ta có thể nhìn thấy dể dàng điều này qua hiện trạng của nước Việt Nam.

Như vậy, chúng ta là Phật tử và là huynh trưởng GĐPT muốn áp dụng nguyên tắc "Tùy duyên bất biến" cho phù hợp với tinh thần của Đạo mang lại an lạc, giải thoát cho ta, cho người, thì cần phải xác định rõ ràng, không mơ hồ, "cái gì" thì bất biến, cơ duyên nào có thể "tùy thuận".

Chúng ta hảy cứu xét ba thí dụ trong tài liệu đưa ra, như sau: thứ nhất là tổ Huệ Năng trong thời gian Ngài phải ẩn thân cùng với bọn thợ săn, thứ hai là Phật hoàng Trần Nhân Tông trong việc gả công chúa Huyền Trân và thứ ba trong tình hình đất nước Việt nam hiện nay.

NHẬN XÉT:

(1) Tổ Huệ Năng vì nhân duyên phải che dấu thân phận nên Ngài phải ẩn thân cùng với bọn thợ săn hơn mười năm. Muốn thế Tổ phải sống hòa hợp với thợ săn, thực hiện cùng một hành nghiệp của thợ săn. Đó là tùy duyên , nhưng Tổ đã chứng ngộ, và giải thoát nên tuy làm cùng một hành nghiệp của thợ săn nhưng tâm nguyện khác nhau, nên chẳng những không giết thú săn mà còn giải thoát chúng khỏi kiếp súc sanh, TỪ BI tâm trùm khắp, ấy là bất biến.

(2) Còn trong ví dụ của Phật hoàng Trần Nhân Tông, tuy Ngài đã nhường ngôi cho con nhưng mục tiêu xây dựng đất nước vững mạnh, nhân dân an cư lạc nghiệp, mở mang bờ cõi về phương Nam, kết giao thân hữu với người Chiêm thành để luôn luôn sẳn sàng đủ sức mạnh chống lại phương bắc, bảo vệ tự chủ cho đất nước, đó là quốc sách bất biến. Để thực hiện quốc sách nầy trong hòa bình, nên việc kết thông gia, gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm, gọi là tùy duyên.

(3) Đối với tình thế hiện tại ở Việt Nam thì chư Tôn Thiền đức, các anh chị huynh trưởng lãnh đạo phải hành xử như thế nào ? Tuy ví dụ trong tài liệu BQT không đưa ra những trường hợp cụ thể, cũng dễ hiểu thôi, cái này là tùy duyên mà! Vậy cái nào là bất biến ? Giữ ĐẠO, giữ TỔ CHỨC GĐPT không để bị tan rả, không để bị biến chất là bất biến. Thế nhưng trước mục tiêu bất biến này, nhiều người chọn lựa những phương thức khác biệt nhau, đôi khi lại có vẽ chống phá nhau. Chúng ta nhận thấy tại quê nhà và ngay tại hải ngoại cũng vậy, hiện có nhiều tổ chức Phật giáo, nhiều hệ thống GĐPT chính là vì thế!

Theo tài liệu định nghĩa thì “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” cũng chỉ có một ý nghĩa là: "duyên theo vạn hữu mà bản thể thì không thay đổi".

Đây là cốt lõi của vấn đề: "Làm thế nào để chúng ta khẳng định chính xác Bản thể của một pháp, để có thể Tùy duyên cho đúng với tinh thần Đạo?" và "Làm thế nào có thể tùy duyên mà không đánh mất bản thể?"

Phật pháp dạy chúng ta rằng một Pháp gồm hai phần, một là Tướng trạng, hai là Bản Thể. Tướng thì thay đổi, Thể thì thường còn. Nghĩa là duyên theo Tướng trạng gọi là tùy duyên mà không đánh mất Bản thể gọi là bất biến.

Thí Dụ:

(1) Bản thể của Thiền là Định, tướng trạng của Thiền có thể là thiền tọa, thiền hành hoặc thiền trà..v.v... Tùy duyên bất biến nghĩa là duyên theo mọi tướng trạng của Thiền nhưng không làm mất bản thể là Định tâm. Thế cho nên, ta không thể xét đoán thiền tọa là đúng, thiền hành hoặc thiền trà là sai! Vấn đề là chúng ta có định tâm được hay là không khi tọa thiền, hoặc thiền hành, thiền trà v.v...

(2) Tướng của chúng sanh có thiên hình vạn trạng lúc thì làm trời, làm người, có thể là người nam, người nữ, người Âu, người Á, kẻ giàu sang, người nghèo khổ... và rồi có kiếp làm súc sinh, a tu la, có khi đọa vào địa ngục trôi lăn trong lục đạo tùy nghiệp báo mà trả quả, nhưng Bản thể của chúng sanh là Phật tánh thì bất biến. Thế nên trước muôn loài chúng sanh, ta khởi Tứ Vô Lượng Tâm (Từ Bi Hỷ Xã) bao trùm muôn loài, không phân biệt ta người, bởi vì Bản thể của ta và của chúng sanh thì bình đẳng, cùng chung tánh Phật.

(3) Học kinh Duy Ma Cật, chúng ta có vô vàn thí dụ về tinh thần "tùy duyên bất biến" mà với năng lực (trình độ tu học) của chúng ta không đủ thâm sâu để hành xử. Ngài Duy Ma Cật là một Bồ tát đắc đạo, tái nhập Ta bà để hóa độ chúng sanh với thân phận là một cư sĩ tại gia. Ngài với huệ nhãn nhìn thấu vạn pháp như thật nên mọi hành hoạt thân khẩu đều phù hợp với Chân lý hay gọi là phù hợp với Bản thể của vạn hữu. “Tuy là cư sĩ ông vẫn tự tại không vướng mắc ba cõi. Tuy thị hiện có vợ con ông luôn sống đời tịnh hạnh. Tuy hiện thân giữa các thuộc hạ, vẫn thường vui thú viễn ly. Tuy mang ngọc vàng châu báu nhưng trang điểm thân mình bằng phẩm hạnh oai nghiêm. Dù ăn uống như tục gia nhưng chỉ thưởng thức vị thiền. Chơi với phường cờ bạc để đưa người vượt thoát. Tiếp nhận dị đạo mà không hủy chánh tín. Thông hiểu kinh điển thế gian, nhưng thường hâm mộ Pháp Phật. Ai gặp ông cũng đều kính nể, tôn kính vào hàng bậc nhất. Ông giữ chấp trì luật pháp, duy trì trật tự dưới trên. Hợp tác hài hoà trong tất cả sự nghiệp buôn bán. Tuy cũng gặt hái những lợi ích trong những hoạt động thế tục của mình, ông không lấy đó làm mừng. Rong chơi trên các ngõ đường, vẫn không quên giúp ích mọi người. Vào chốn công đường để bảo vệ kẻ thế cô. Tham gia các nghị hội để đưa người vào Đại thừa. Đến các trường học để khai sáng tâm mọi người. Vào nơi kỹ viện để cho thấy tai họa của dục vọng. Vào trong tửu lâu mà vẫn vững vàng ý chí.” (trích kinh Duy Ma Cật)

❦ Đối với đạo Phật thì Chân Lý là bất biến! Bản thể là một danh từ khác của chân lý. Chân lý thì đúng với mọi thời đại, mọi quốc độ, mọi chúng sanh. Nên muốn tùy duyên cho phù họp với Chân lý bất biến thì phải là Bồ tát, phải là bậc giác ngộ hoàn toàn. Còn chúng sanh vì mức độ hiểu Đạo, Tu học thâm sâu, nông cạn không giống nhau nên trong hành xử có sai khác... là chuyện dể hiểu! Thế nên không thể phán xét đúng sai để rồi từ đó, nổi tâm sân hận việc nhỏ thì chỉ có thiệt mình, nhưng việc lớn thì di hại cho muôn loài chúng sinh!

Đây là mấu chốt của tranh chấp, của phiền não. Ai ai cũng nghỉ rằng “chủ trương của ta mới là ĐÚNG, là phù hợp với Bản thể, còn của kẻ kia là SAI LẦM”. Nên nhớ rằng chúng ta, tất cả chúng ta đều là phàm nhân, nên không thể nào nhìn thấu được bản thể cùa Pháp, bởi vì dưới lăng kinh của nghiệp lực thì đó là chuyện không thể! Ví như trong chuyện “bốn anh mù rờ voi”, mỗi người chỉ có thể rờ được một bộ phận khác nhau của con voi, cho nên đã có bốn nhận định khác nhau về con voi. Những nhận định này SAI chăng (?), không tất cả đều ĐÚNG, nhưng chỉ đúng với vị trí của mỗi người. Thế nhưng, cả bốn đều cho rằng nhận định của mình là đúng với sự thật, đúng với chân lý, cho nên nẫy ra tranh chấp quyết liệt, không ai nhường ai! Người TRÍ chỉ biết mỉm cười thương xót.

Phật pháp trở nên thiên biến vạn hóa, thiên hình vạn trạng bởi vì không hề có một pháp nào là độc lập, là tự có; các pháp duyên nhau mà sinh diệt nghĩa là "cái nầy có vì cái kia có, cái nầy diệt nên cái kia diệt". Thế cho nên, Bản thể của một Pháp mà chúng ta với nhục nhãn, nhận định là “bất biến”, thật ra chỉ có giá trị tương đối (giá trị tục đế)!

Chúng ta là huynh trưởng GĐPT, đã phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo mang cho mình chí nguyện "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh" hay nói nhẹ nhàng hơn "tinh tấn tu tập, giáo hóa đàn em" thì phải biết mặc áo giáp "kham nhẫn". Chúng ta biết rằng dù với tất cả suy tư, cân nhắc, chủ trương hay là quyết định của chúng ta cũng chỉ có giá trị tương đối. Và vì chỉ có giá trị tương đối nên chúng ta sẳn sàng thương thảo, sẳn sàng tu chính mỗi khi có nhân duyên hội tụ. Có thế chúng ta mới tránh được tính cố chấp, mới “kiến hòa đồng giải”. Có thế chúng ta mới có thể ứng dụng tinh thần "tùy duyên bất biến" mà không sợ đi ngược lại với bản thể của vạn hữu./-


Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page