top of page

PHÁT NGUYỆN - PHÁT TÂM

Gia Đình Phật Tử chúng ta, nhất nhất mọi việc đều có phát nguyện, ví dụ lễ “Phát nguyện vào Đoàn” cho đoàn sinh mới gia nhập, lễ Phát nguyện thọ cấp…v.v. Như vậy, Phát Nguyện là bước khởi đầu cho mọi phật sự dầu lớn, dầu nhỏ trong GĐPT mà các anh, các chị đã dạy dỗ cho chúng ta ngay từ những ngày đầu vào đoàn… Đối với phật tử mỗi khi chùa phát động một phật sự nào đó, chúng ta cũng thường nghe nói rằng đạo hữu hãy Phát Tâm Bồ Đề... nghĩa là kêu gọi đóng góp tịnh tài cho phật sự nầy.

Vậy chúng ta nên tìm hiểu thế nào là Phát Tâm, Phát Nguyện .

Trong bài Văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm, ngài Thật Hiền dạy rằng: …“Tôi từng nghe, cửa chính để nhập đạo thì sự phát tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì chúng sanh độ nổi, tâm phát thì Phật đạo thành được. Cái tâm quảng đại không phát, cái nguyện kiên cố chẳng lập, thì dẫu trải qua đời kiếp nhiều như cát bụi, cũng y nhiên vẫn ở trong phạm vi luân hồi. Tu hành dẫu có, cũng toàn là lao nhọc, khổ sở một cách vô ích.”…

Bài văn ngắn gọn, lời văn tha thiết, ngài Thật Hiền ân cần khuyến tấn tứ chúng đệ tử hãy dõng mãnh phát tâm bồ đề. Vì đây là cửa ngõ để vào Đạo, là khởi đầu cho sự nghiệp tu hành…Thế cho nên, “Phát Tâm Bồ Đề”, là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, là phát khởi cái chí nguyện thành Phật, là bước khởi hành trên con đường thành Phật!...

Phải chăng, đây là chí nguyện cao cả của Chư Tăng, Ni mà Cư Sĩ thì không thể... ?

Vào dịp mùa Phật Đản hằng năm, chúng ta thường nghe chư Tăng giảng rằng Đức Phật chỉ vì một đại sự nhân duyên mà thị hiện ra đời: …”Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sinh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời. (xem kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện). Hữu tình chúng sanh vì nghiệp lực đã luân hồi sinh tử, trôi lăn trong lục đạo: Thiên, A tu la, Nhân, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, nhưng tất cả đều có Phật chủng, nghĩa là đều có khả năng chuyển nghiệp, thành Phật. Lý do duy nhất mà Đức Phật thị hiện ra đời là để dẫn dắt chúng sanh thành Phật, nên Phát Bồ Đề Tâm hay phát nguyện thành Phật là chúng ta thể hiện bản hoài chư Phật, là tri ân chư Phật mà ngài Thật Hiền đã liệt kê có mười nguyên do để Phát Tâm Bồ Đề! Nên chỉ cần là một chúng sanh hữu tình là đã có khả năng Phát Tâm thành Phật ! Thật là thâm ảo, huyền diệu...

Nhưng chừng nào thành? Hết kiếp hiện tại, hay là một ngàn kiếp sau, hay là trong vô lượng vô biên kiếp! Chúng ta là phàm nhân, không thể biết được. Nhưng chắc chắn chúng ta biết một điều: có khởi hành là phải đến đích! Phải có bước khởi đầu mới có bước kế tiếp. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy! Gieo nhân “Bồ Đề” thì gặt quả “Phật”! Đó là quy luật tự nhiên…

Chúng ta, ai ai cũng mong cầu được sống hạnh phúc, an vui, cho mình và cho những người thân xung quanh mình. Mọi việc ở mọi nơi chúng ta đều làm với tâm mong cầu phước báu. Muốn thế, chúng ta phải biết gieo nhân! Có câu rằng: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Có nghĩa là chúng sanh vì mong cầu quả báu tốt đẹp cấp thời ở nhân gian nên dùng trăm phương ngàn kế để kiến tạo, tích lũy tiền tài, danh vọng, quyền lực… nên gọi là "chúng sanh sợ quả". Còn Bồ tát vì hiểu rõ lý Nhân Quả nên biết rằng muốn được quả tốt thì phải gieo nhân tốt, nhân quyết định cho quả nên gọi là "Bồ tát sợ nhân".

Ví dụ, vì muốn được phú quý, giàu sang nên chúng sanh keo kiệt, bủn xỉn để tích lũy tiền bạc, nào biết đâu keo kiệt, bủn xỉn là nhân của ngèo đói, bần cùng! Còn Bồ tát thì hoan hỉ bố thí mà không mong cầu sự báo đáp nên lại được đại phú quý. Một ví dụ khác, muốn gia đình mình sống hòa họp, hạnh phúc, đoàn kết trên dưới một lòng thì không được dùng lời chia rẽ, ly gián, lưỡi đôi chiều để gây bất hòa cho gia đình người, đoàn thể người vì đây là nhân của quả phân ly, chia lìa. Phải dùng lời từ ái, hòa nhã, cử chỉ đoan trang tạo niềm tin cho người thì sẽ được gia đình mình hòa hợp, hạnh phúc…

Nhưng, từ “nhân” thành “quả” là một con đường dài tùy thuộc vào nhiều yếu tố như đất, nước, gió, ánh sáng, phân bón…v.v. Có nghĩa là trùng trùng duyên khởi sẽ can thiệp vào quá trình hình thành của “quả”. Nhân duyên tương quan tác động lên nhau và Quả chỉ xuất hiện trong môi trường nhân duyên phù hợp hội đủ và điều nầy vượt ngoài khả năng suy tính của chúng ta!

Là Phật tử, và là huynh trưởng GĐPT, chúng ta phải học hành động như Bồ tát, chỉ quan tâm đến việc gieo nhân, còn chừng nào gặt quả và quả như thế nào là việc của tương lai. Hãy nhớ rằng, quá khứ đã qua mà tương lai thì chưa đến; đắm chìm trong quá khứ, ảo tưởng về tương lai, chỉ tạo áp lực cho chính mình và cho những người xung quanh, gây ra không khí bất an cho Đoàn, và cho chính gia đình chúng ta. Chúng ta hãy sống tỉnh thức trong giây phút hiện tại, tương lai sẽ do chư Phật, chư Bồ tát thùy từ gia hộ!...

Một ngày chỉ có hai mươi bốn giờ mà người huynh trưởng phải chu toàn biết bao nhiêu là trách nhiệm, là bổn phận… Nào là bổn phận của người chồng, người vợ đối với gia đình, bổn phận của người công nhân đối với hãng xưởng… còn đâu thời gian cho tập thể Áo Lam, cho đàn em thân thương? Nhiều huynh trưởng đã mang việc Đoàn vào hảng xưởng, giải quyết đề án phật sự trên bàn ăn, tận dụng mọi thời gian để lo việc Đạo… đôi khi quên mất người bạn Đời kế bên!

Đời Đạo mất cân đối, tạo nên biết bao nhiêu là hệ lụy!

Vì sao? Phải chăng vì thời gian eo hẹp?

Không phải thế! Không phải vì thì giờ eo hẹp mà chỉ vì cái tâm lo lắng, lo rằng sẽ không đạt được “quả như ý”, quả mong cầu, nghĩa là chúng ta vì chú trọng đến “tương lai” mà làm xáo trộn “giây phút hiện tại”! Biết rằng, Quả chỉ xuất hiện khi hội đủ nhân duyên thích hợp và ta lại không có khả năng can thiệp vào dòng tương tục từ nhân đến quả. Hãy thuận theo nhân duyên thì mọi việc sẽ dễ dàng. Đó là tùy duyên! Nhưng phải nắm vững sự “chân chánh phát bồ đề tâm”. Ấy là bất biến!

Khi chúng ta phát tâm chân chánh thì Bồ tát sẽ chứng minh, gia hộ. Có tự lực, có tha lực! Hãy tin vững chắc vào tha lực của chư Phật, chư Bồ tát tác động vào tiến trình hình thành Quả. Có được niềm tin không lay chuyển nầy, giúp chúng ta gỡ được gánh nặng trên vai, mang an bình trong tâm, đem đến miềm tin vui, an lạc cho Đoàn, và cho chính chúng ta.

Thế nào là chân chánh phát bồ đề tâm?

Trong Phát Bồ Đề Tâm văn, Ngài Thật Hiền dạy phát tâm có tám sắc thái khác nhau là tà chánh, chân ngụy, đại tiểu, thiên viên. Cứu xét tám sắc thái phát tâm trên là bỏ tà, ngụy, tiểu, thiên, là chọn phát tâm chân, chánh, đại, viên, như vậy mới gọi là chân chánh phát bồ đề tâm!

Tất cả mọi hoạt động của chúng ta trong ngày ở nhà, ở trường học, tại sở làm, hoặc cho GĐPT những việc làm thật nhỏ nhặt như rửa một cái bát, giúp người bạn giải một bài toán, hoặc giả dạy cho đội chúng một bài ca, một điệu múa.v.v… Chúng ta thực hành với cái tâm Chân, Chánh, Đại, Viên thì gọi là làm phật sự! Thực hành với cái tâm Tà, Ngụy, Tiểu, Thiên thì gọi là làm “ma sự”.

Ví dụ, chúng ta giúp trong toán trai soạn của chùa, nấu bữa cơm cúng dường đại chúng trong ngày chủ nhật, chúng ta phải phát tâm như thế nào mới gọi là làm phật sự, không rơi vào ma sự?

Chúng ta hãy phát tâm rằng: “Ngày hôm nay con dùng ba nghiệp thanh tịnh, nấu bữa cơm cúng dường đại chúng, cầu mong con và đại chúng dùng cơm nầy nuôi dưỡng thân mạng để học hỏi giáo pháp, phát triển huệ mạng và để được cùng tương ngộ nơi Tịnh độ quốc”. Giữ vững sự phát tâm như thế, chúng ta và các bạn đồng sự chắc chắn sẽ thực hiện phật sự trai soạn nầy trong tinh thần Lục Hòa mang đến niềm vui an lạc cho tất cả. Ấy là chân chánh phát tâm!

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, có đoạn kể vua Lương Võ Đế hỏi ngài Bồ Đề Đạt Ma rằng: “Trẫm cả đời xây chùa, bố thí, cúng dường, có công đức hay không ?”. Ngài Đạt Ma trả lời: “Chẳng có công đức gì cả”. Võ đế không vui, bèn đuổi Đạt Ma ra khỏi bờ cõi. Chúng ta thường được chư Tăng nhắc nhở nhiều về vấn đề nầy: công đức hay không đều tùy thuộc vào sự "phát tâm" !

Do đó, phật sự hay ma sự đều do chính chúng ta quyết định! Vậy phải cẩn thận cứu xét tám sắc thái phát tâm trong mọi hoạt động thường nhật của chúng ta!

Có vị cho rằng chúng ta hành sự là vì tinh thần trách nhiệm đâu cần phải phát tâm! Nào hay tinh thần trách nhiệm, tự nó không chắc mang đến cho chúng ta một thiện nghiệp! Thật thế, không khéo tinh thần trách nhiệm ấy lại mang đến cho chúng ta những ác nghiệp không ngờ trước. Hoặc vì không phát tâm nên cho rằng đó là một nghiệp vô ký, không phải là thiện nghiệp, cũng không tạo ra ác nghiệp! Nếu thế thì rất uổng vì chúng ta là phật tử phải bòn mọt công đức mới đúng.

Hòa thượng Nhất Chân có dạy một ví dụ thật thú vị như sau: Ví như chúng ta để dành tiền tiết kiệm nếu chúng ta để vào “tài khoản lưu thông” thì không có sinh lời, nhưng cùng số tiền đó nếu chúng ta để vào “tài khoản tiết kiệm dài hạn” thì sẽ sinh lời và đến một ngày nào đó chúng ta sẽ có một số tiền lớn không ngờ được!

Cũng vậy, chúng ta làm bất cứ một việc thiện nào dầu nhỏ dầu lớn… đều là cầu phước nên công đức có được nếu chúng ta bỏ vào “tài khoản lưu thông” có nghĩa là cầu phước ngũ dục hiện tiền, là phước hữu lậu có đó, mất đó; còn bỏ vào “tài khoản tiết kiệm dài hạn” nghĩa là hồi hướng cho “đệ tử và chúng sanh đều trọn thành phật đạo” tức là cầu phước vô lậu, phước báu không sao kể xiết...!

Thế cho nên Phát Tâm Bồ Đề, nghĩa là phát nguyện thành Phật, mà không mong cầu thành Phật thì sẽ thành Phật! Hãy nhất định như thế, vì Phật đã dạy thế: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.

Mùa Phật Đản 2015


Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page