CÚNG DƯỜNG & BỐ THÍ
Cúng Dường và Bố Thí về hình thức thì giống nhau nghĩa là có người cho, có vật cho và có người nhận, nhưng đối tượng thì có khác, vì với Cúng dường người nhận là Tam Bảo, còn Bố thí thì người nhận là chúng sanh. Người cho phải sở hữu vật cho, như thế mới gọi là Bố thí, mới gọi là Cúng dường. Chúng ta không thể cho vật mà chúng ta không sở hữu.
Đối với thế gian thì cho rằng người nhận của Bố thí là kẻ bần cùng, nghèo túng, là tiện nhân; còn người bố thí là người giàu sang, quyền thế, là bậc thượng nhân. Người cho là người ban phát ân huệ mà người nhận phải ghi nhớ và người cho có quyền đòi hỏi người nhận phải trả ân. Nếu không thì gọi là vong ân. Đó là đạo đức, là công bằng của thế gian !
Còn với Đạo, ý nghĩa Cúng Dường, Bố Thí là như thế nào ? Chúng ta hãy tìm hiểu qua kinh sách và những lời giảng dạy của chư Tôn Thiền Đức.
Trong Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, phẩm Chúng Bồ Tát có đoạn tả về bồ tát tại gia Thiện Đức đã tổ chức đại hội bố thí trong bảy ngày để cúng dường hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn, các ngoại đạo, các người bần cùng, hạ tiện, cho đến cả ăn mày. Đến ngày cuối, ông Duy Ma Cật xuất hiện và nói với ông Thiện Đức rằng phải bố thí Pháp thì mới ích lợi lớn chứ còn tài thí chẳng ích lợi nhiều. Thế nào là Hội Pháp Thí? Khai mở Tứ Vô Lượng Tâm, hành Lục Độ Ba La Mật, tu hết thảy các thiện pháp, đó là bố thí pháp rốt ráo. Ông Duy Ma Cật nói: “Hết thảy những điều trên, này Thiện nam tử, là Đại hội Pháp thí. Nếu Bồ tát an trú nơi Đại hội Pháp thí, đó là Đại thí chủ, và cũng là ruộng phước cho hết thảy thế gian.”
Trưởng giả tử Thiện Đức sau khi nghe bài pháp, vô cùng hân hoan cởi vòng trân châu vô giá cúng dường cho ngài Duy Ma Cật. Ông nhận lấy và phân làm hai một nửa tặng cho người ăn xin nghèo nhất thành Tỳ Da Li và một nửa cúng dường cho đức Phật Nan Thắng Như Lai. Hết thảy chúng hội hiện diện đều có thể nhìn thấy Nan Thắng Như Lai trong quốc độ Quang Minh. Lúc ấy họ cũng thấy phía trên đức Phật kia nửa vòng trân châu ấy biến thành đài báu trang nghiêm trên bốn cột trụ, bốn mặt đều được trang nghiêm, rõ ràng không che khuất nhau.
Sau thị hiện biến hóa thần kỳ này, Duy-ma-cật nói: “Ai bố thí cho người hành khất nghèo hèn nhất với tâm bình đẳng, là hành động không khác với phước báo của Như Lai, vì nó xuất phát từ lòng đại bi không mong đáp trả. Đó chính là viên mãn Pháp thí vậy.”
Học kinh ta thường hay gặp những đoạn kinh có ý như vầy, ví dụ trong phẩm Phổ Môn, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, có tả bồ tát Vô Tận Ý đã cởi xâu chuỗi ngọc nơi cổ trị giá trăm nghìn lạng vàng cúng dường bồ tát Quán Thế Âm. Bồ tát Quán Thế Âm nhận lấy, phân làm hai, một cúng dường cho đức Thích Ca Mâu Ni, phần kia cúng cho đức Phật Đa Bảo.
Nhận xét: (1) Về người cúng dường là trưởng giả tử Thiện Đức và bồ tát Vô Tận Ý đã cúng dường những xâu chuỗi vô giá, trân quý vô cùng. (2) Cúng dường là vì lòng tôn kính, vì học được giáo pháp khai sáng trí huệ (như trường họp bồ tát tại gia Thiện Đức đối với ngài Duy Ma Cật), hoặc là vì trân quý, khâm phục công hạnh (trường hợp bồ tát Vô Tận Ý đối với bồ tát Quán Thế Âm). (3) Còn Bố thí thì phát khởi từ lòng đại Bi không cầu báo đáp, bố thí với tâm bình đẳng, vô phân biệt nên Bố thí hay Cúng dường như nhau. Bồ tát Duy Ma Cật đã dạy: bố thí cho người nghèo nhất thành Tỳ Da Lỵ hoặc cúng dường cho Phật Nan Thắng Như Lai, phước báu không khác. (4) Về người được cúng dường là ngài Duy Ma Cật và bồ tát Quán Thế Âm đã nhận phẩm vật cúng dường và cúng lại cho chư Phật hoặc bố thí cho người khác, nghĩa là không nhận cho mình mà là “mượn hoa hiến Phật”!
Trong kinh còn ghi chép nhiều gương cúng dường, bố thí rất cảm động mà chúng ta chưa có năng lực thực hiện trong hiện kiếp! Như trong những kiếp quá khứ đức Thích Ca đã từng bố thí đến cả thân thể của mình cho chúng sanh, hoặc như đệ nhị tổ Huệ Khả đã chặt một cánh tay để cầu pháp với tổ Bồ Đề Đạt Ma tại Thiếu Lâm tự, hoặc như ngài Thật Hiền đã đốt những ngón tay cúng dường Phật...
Cúng Dường và Bố Thí là một pháp môn tu tập, hành trì (Lục độ ba la mật: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, và Trí Tuệ), để phát triển tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, và Xả. Là một pháp môn tu tập nên có thứ bậc từ thấp lên cao, tùy theo năng lực của chúng ta mà hành trì, nhưng phải chân chánh phát tâm.
Tứ Vô Lượng Tâm nương vào nhau mà phát triển nên khi Bồ Tát đạt đến Đại Bi Tâm thì sẵn sàng xả bỏ ngay cả thân mạng của mình cho chúng sanh, không hãi sợ, không tiếc rẻ. Cũng thế, Lục Độ Ba La Mật nương nhau mà phát triển nên khi Bồ Tát đạt đến Bố Thí Ba La Mật thì năm Độ kia cũng đạt được như thế.
Đối với chúng ta, là huynh trưởng GĐPT thì bài học Cúng Dường, Bố Thí vô cùng quan trọng vì nếu hiểu sai lạc thì hành không đúng, chẳng những ảnh hưởng đến tiến trình tu học của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến đoàn sinh mà chúng ta có bổn phận dẫn dắt, giáo dục.
Trước hết kinh dạy rằng Cúng Dường và Bố Thí là để tập hạnh Xả Ly, mà đã là xả bỏ thì không mong cầu báo đáp. Đối với năng lực hiện tại của chúng ta thì ngay cả tiền tài cũng phải có chừng mực, nhưng nên nhớ dầu cúng dường, bố thí một đồng hay một vạn thì mục đích cũng là tập Xả bỏ cho nên không có việc rêu rao, kể lể, so đo hơn thiệt. Cúng dường là phát tâm mong cầu Trí Tuệ, còn Bố thí là để khai mở Bi Tâm, nên là vì Lợi mình mà cúng dường và bố thí; người nhận giờ đây không phải là người thọ ân mà là ân nhân của chúng ta, phải quán như thế và nhờ thế mà Tâm Bình Đẳng Vô Phân Biệt từ từ phát triển: người nhận, người cho không sai khác.
Cúng dường là cúng dường vật trân quý, có giá trị liên thành như kinh đã dạy. Vì sao? Vì khi kính trọng ai thì dĩ nhiên phải tặng vật có giá trị nhất mà mình hiện có, để biểu lộ chân tình. Ví như chúng ta cúng Hoa bàn thờ Phật vào ngày chủ nhật hoặc ngày lễ, thì chúng ta phải mua Hoa tươi nhất, đẹp nhất để cúng, không thể bạ gì mua nấy, dĩ nhiên với con mắt nhận xét của chúng ta, (vì với người khác có thể là chưa đẹp, chưa toàn hảo) nhưng tâm ta là thế, đây là bó Hoa đẹp nhất, tươi nhất mà con dâng cúng lên chư Phật! Cúng dường Hoa là để trang nghiêm, thanh tịnh đạo tràng nên nhờ nhân cúng dường nầy nguyện con và chúng sanh được thấy Phật, được liên hoa hóa sanh. Đây là phát tâm chân chánh, là cúng dường đúng pháp.
Hoặc chúng ta cúng dường bữa cơm lên chư Tăng Ni trong chùa, chúng ta phải mua những thực phẩm tốt nhất, tươi nhất, có giá trị dinh dưỡng và thực hiện bữa cơm với tâm hoan hỉ không cầu báo (nghĩa là không cầu tình cảm cá nhân!). Còn phát tâm như thế nào ? Chúng ta đã biết chư Tăng Ni tượng trưng cho thanh tịnh, là trưởng tử Như Lai, là người tiếp tục gánh vác trách nhiệm chuyển bánh xe Pháp nên nhờ nhân cúng dường tài vật, thực phẩm lên chư Tăng Ni ngày hôm nay con nguyện cho Phật Pháp trường tồn, cho ánh Đạo soi chiếu vạn loại chúng sanh. Ấy là chân chánh phát tâm, như thế là cúng dường thanh tịnh, cúng dường đúng pháp!
Còn người nhận phẩm vật cúng dường là chư Tăng Ni thì sao?
Trong kinh Duy Ma Cật, phẩm Chúng Đệ Tử có đoạn dạy về Khất thực lược kể như sau. Ngài Ma Ha Ca Diếp, Đệ Nhất Đầu Đà chuyên đi khất thực những người nghèo vì ông muốn giúp người nghèo có nhiều cơ hội tạo phước, và ngài Tu Bồ Đề, Đệ Nhất Giải Không thì ngược lại, chuyên khất thực nhà giàu . Ông Duy Ma Cật chỉ rằng, đây là quan điểm sai lầm. Bản chất của khất thực là diệt Ngã, nên ngay khi Ngũ Thức tiếp xúc với Ngũ Trần, giữ Ý Thức không cho khởi vọng niệm (ngay cả niệm Diệt Ngã cũng không), phải trụ Tâm Bình Đẳng mà hành khất thực, vì Giàu, Nghèo chỉ là Duyên hợp mà Bản Tánh của chúng sanh là Phật Tánh nên không khởi tâm phân biệt rằng, tỳ kheo thọ thực là ruộng phước, người thí thực là cầu phước.
Ngài Duy Ma Cật nói: “Thưa ngài Tu-bồ-đề, nếu đối với sự ăn mà bình đẳng, thì đối với các pháp cũng bình đẳng. Các pháp bình đẳng thì đối với sự ăn cũng bình đẳng. Hành khất thực như vậy mới đáng nhận thức ăn".
Và đức Phật cũng đã từng dạy rằng ngay bốn hạt gạo của đàn na tín thí cũng rất nặng, nếu không khéo tu hành thì người nhận sẽ mang quả báo!
Hiện nay, không thiếu những trường hợp, chư Tăng Ni xử dụng của cúng dường để mua sắm cho nhu cầu cá nhân quá mức cần thiết, chẳng hạn mua xe VUS, mua “nhà riêng”… khiến cho một số phật tử kết tội người cúng dường là “ma”, đã hủy hoại chư Tăng (!)… và từ đó tuyên bố không cúng dường, để khỏi làm “ma” và để không làm hư chư Tăng Ni ! (nguy hiểm hơn nữa một số không công nhận Tăng Bảo, cho rằng thời nay chỉ còn Nhị Bảo mà thôi !).
Theo ý tôi, nhận định nầy không hẳn đã đúng vì thật ra chúng ta làm sao biết được phát tâm của người cúng là như thế nào, là ma chăng? là cầu lợi chăng? là cầu danh chăng?… Vả lại, một Pháp sinh khởi là do nhân duyên tương quan tác động vô cùng (như lưới đế châu) mà với nhục nhãn chúng ta không sao nhìn thấu. Nhận định đã không vững chắc nên quyết định “ta không cúng dường” thật là tai hại , nhất là đối với hàng huynh trưởng đã phát nguyện học Bồ tát hạnh, hành Bồ Tát Đạo. Kinh Duy Ma Cật có dạy rằng: “Bồ Tát trì giới mà không chê người phạm giới”./-
Thị Nguyện
Mùa Vu Lan 2015