top of page

NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA PHẬT PHÁP

Chúng ta hiện sống trong một xã hội đa văn hóa, nào là người Âu, người Á, người Mỹ; nào là Thiên chúa giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Ấn độ giáo, và Phật giáo v.v... Sự chung sống trong cùng một môi trường thường nẩy sinh sự tò mò, tìm hiểu, và so sánh giữa các chủng tộc và giữa các tôn giáo với nhau. Nhất là về vấn đề tôn giáo sự tìm hiểu và so sánh có vẽ gay gắt vì tôn giáo tựa vào niềm tin mà tồn tại.

Cho nên chúng tôi nghĩ, các Huynh trưởng cằm đoàn và quý phụ huynh cần một số thông tin cơ bản để dể dàng giải thích cho đoàn sinh mỗi khi vấn đề được nêu lên.

Năm tôn giáo lớn nhất là Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo đều có lịch sử hơn một ngàn năm. Điều này chứng tỏ rằng tôn giáo là một nhu cầu cần yếu của nhân loại. Tôn giáo chẳng những muốn giải quyết vấn đề trước mắt của nhân loại mà còn muốn giải quyết vấn đề vĩnh hằng của kiếp người, không chỉ nói về sự sống mà còn nói cả sự chết. Sở dĩ tôn giáo tồn tại lâu dài là do nơi giáo nghĩa siêu quốc gia, chủng tộc và hiện thế.

Nay chúng ta bằng cách so sánh những chỗ bất đồng giữa Phật giáo với các tôn giáo để cuối cùng nêu bật những đặc tính của Phật pháp.

1.- PHẬT PHÁP PHỦ NHẬN SỰ SÁNG TẠO THẾ GIỚI ĐẦU TIÊN CỦA THƯỢNG ĐẾ:

Ngoài Phật giáo ra, các tôn giáo khác đều có cùng một đặc điểm, đó chính là nhìn nhận có một vị Thượng đế vạn năng, một Thượng đế sáng tạo ra thế giới, sáng tạo ra nhân loại, một vị Thượng đế bất cứ gì cũng làm được. Phật pháp thì khác, không thừa nhận có một vị Thượng đế toàn năng, sáng tạo nên thế giới, bởi lý luận cơ bản của Phật pháp, vốn không nhìn nhận có sự sáng tạo ban đầu của thế giới.

Phật giáo lý luận: Quan niệm “ban đầu” là do nơi tâm lý của nhân loại có hạn lượng, không sao bao quát hết các mối quan hệ nhân quả vô cùng, nên để tiện cho tư tưởng mình suy nghĩ mà phát minh ra thứ giả tưởng “bắt đầu trước tiên” đó. Lại do vì phát sanh ra thứ giả tưởng “bắt đầu trước tiên” này, mà đẻ ra một Thượng đế vạn năng, sáng tạo ra thế giới. Khái niệm Thượng đế là do thuở ban xưa, con người không thể giải thích được những hiện tượng của vũ trụ như sắm sét, địa chấn, sóng thần, ôn dịch… nên sáng tạo ra quan niệm “Thần linh” để vừa có thể giải thích được các hiện tượng kỳ diệu của vũ trụ, vừa thỏa mãn nhu yếu thực tế của nhân loại, khiến họ đạt được cảm giác an toàn. Quan điểm này có giá trị trên mặt tiến triển chính trị xã hội của nhân loại, nhưng về phương diện chân lý những thứ giả định này không sao làm sáng tỏ được chân lý.

Phật pháp không những nói rõ “bắt đầu trước tiên” chỉ là sản phẩm tư duy hạn hẹp của nhân loại, mà còn cho chúng ta rõ Thượng đế sáng tạo thế giới cùng người và vật cũng chỉ là tưởng tượng trong tư tưởng con người. Đức Phật sinh ra là một người, sống như một người và từ giã cõi đời như một người. Nhưng con người ấy bằng nỗ lực tu tập, bằng thiền định đã thấy rõ sự vận hành của vạn pháp, vòng luân hồi của kiếp nhân sinh, nguồn gốc nhân duyên sinh diệt. Kế từ ngày ấy, Đức Phật đã tìm ra “con đường xưa” mà chư Phật thời quá khứ đã đi, và chư Phật vị lai cũng sẽ đi. Đức Phật không sáng tạo ra chân lý, Ngài tìm ra chân lý bằng trực nhận và chỉ dạy lại cho con người thế gian còn bị màn vô minh che lấp. Chân lý thì vĩnh cửu, bất di bất dịch, và không bị thời gian chi phối. Nên gọi Phật pháp khế lý là như thế!

●Phật pháp vẫn đứng vững cho đến ngày nay mà không bị đào thải bởi tiến trình thời gian và sự tăng trưởng kiến thức. Dù cho kiến thức tăng tiến đến thế nào trên chân trời chân lý, Giáo pháp cũng vẫn có chỗ để thừa nhận và đồng hóa các khám phá sâu xa hơn nữa. Giáo lý này không dựa vào các khái niệm giới hạn của tư tưởng và cũng không bị lệ thuộc vào những phủ định của tư tưởng.” (Francis Story- Phật giáo, Một Tôn giáo Thế giới)

●Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực kể trên, trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa nhất. Phật giáo đáp ứng được các điều kiện đó. (Albert Einstein)

2.- MỤC ĐÍCH CỦA PHẬT GIÁO LÀ KHIẾN MỌI NGƯỜI THÀNH PHẬT:

Trong Phật giáo có Phật là cao nhất, có Bồ tát, cũng có Thiên thần, song Đức Phật chí tôn trong Phật giáo hoàn toàn khác với Thượng đế của các tôn giáo. Trong các tôn giáo, Thượng đế vạn năng có quyền ban phúc, giáng họa cho người. Con người phải tin thờ Thượng đế mới được cứu rỗi cho lên thiên đường sau khi chết và được ở cùng Thượng đế. Những người không tin thờ Thượng đế sẽ bị đày xuống địa ngục vĩnh viễn chịu khổ.

Còn Đức Phật thì khác hẳn, Ngài không phải là vạn năng, không thể ban cấp giải thoát cho chúng ta, cũng không thể phán cho ta xuống địa ngục. Đức Phật không bao giờ tự gọi mình là “Đấng Cứu Thế” có quyền năng kiểm soát vận mệnh con người, có quyền cứu vớt kẻ khác bằng chính sự cứu rổi của mình. Đức Phật dạy rất minh bạch: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư”.

Không khi nào tự hào rằng chỉ có Ngài là người duy nhất đắc quả Phật, vì đạo quả Phật không phải là ơn huệ đặc biệt dành riêng cho cá nhân tốt phước nào đã được chọn trước. Mọi người đều có thể thành Phật. Thay vì đặt lên con người một thần linh vạn năng vô hình, Đức Phật đã nâng cao phẩm giá con người, Ngài đã chứng minh rằng không cần nương tựa vào thần linh, con người có thể thành đạt trí huệ cao siêu và đạo quả tối thượng bằng sự nỗ lực của chính mình. Vì vậy dưới mắt Ngài hết thẩy chúng sanh đều đầy đủ Phật tính, nên bình đẳng không khác. Đức Phật lấy con người làm trung tâm, các tôn giáo lấy thần linh làm trung tâm.

Đây cũng là điểm vô cùng bất đồng thứ hai giữa Phật giáo và các tôn giáo.

Do giáo nghĩa căn bản của Phật giáo mang tính chất bình đẳng, khoan dung, Đức Phật đã chống tệ đoan phân chia giai cấp trong xã hội chỉ làm trở ngại sự tiến hóa của loài người. Ngài nâng đở hoàn cảnh của người phụ nữ, lúc bây giờ bị xã hội khinh thường, không những bằng cách nâng cao phẩm giá của người đàn bà lên đúng tầm quan trọng mà còn sáng lập giáo hội đầu tiên trong lịch sử cho hàng phụ nữ. Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Ngài đứng lên cố gắng đánh đổ chế độ nô lệ. Ngài bãi bỏ phong tục đem những con vật xấu số ra giết để cúng tế thần linh.

Những bực vua chúa độc tài tàn bạo, những vị minh quân chánh trực, những hoàng tử vinh quang hiển hách và những người sống cuộc đời tối tăm không ai biết đến, những nhà triệu phú giàu lòng quảng đại và những vị keo kiết bỏn xẻn, những học giả khiêm tốn, những người kiêu căng tự đắc, hạng gái giang hồ, hạng người làm nghề bẩn thỉu, hạng sát nhơn, hạng người thường bị khinh bỉ, tất cả đều hưởng những lời khuyên dạy đầy trị tuệ và từ bi của Đức Phật.

Đức Phật như một vị lương y tùy theo bệnh nặng nhẹ, thể chất người bệnh mà bốc thuốc gia giảm, pha chế cho phù hợp với căn cơ của từng chúng sinh. Do vậy nên nói rằng Phật pháp khế cơ!

●Điều đáng chú ý nhất nơi Đức Phật là sự kết hợp gần như độc nhất của một đầu óc khoa học trầm tĩnh và lòng thiện cảm sâu xa của từ tâm. Thế giới ngày nay ngày càng hướng về Đức Phật vì Ngài là người duy nhất tiêu biểu cho lương tâm nhân loại. (Moni Bagghee – Đức Phật Của Chúng Ta)

●Lần đầu tiên trong lịch sữ thế giới, Đức Phật tuyên bố tự giải thoát. Theo Ngài, mỗi con người có thể đạt được điều đó do chính nỗ lực bản thân, ngay trong đời sống trên thế giới này mà không cần đến sự giúp đỡ của Thượng đế hay thần thánh nào. Giáo lý của Ngài nhấn mạnh về lòng tự tin, tâm thanh tịnh, sự giác ngộ, an lạc và lòng yêu thương muôn loài. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của tri thức vì không có trí tuệ thì siêu linh nội tâm không thể thâm nhập vào đời sống được. (Giáo sư Eliot, Phật Giáo Và Ấn Độ Giáo)

3.- TÌNH THƯƠNG CỦA PHẬT PHÁP KHÔNG CÓ HẠN LƯỢNG:

Thánh kinh Cơ Đốc giáo dạy: “Bạn hảy yêu thương người láng giềng”, “Hảy yêu thương ngay đến kẻ cựu thù”. Những lời dạy bảo nầy thực là vĩ đại. Nhưng dù các tôn giáo có thể vượt quá phạm vi quốc gia, chủng tộc và hiện thế vẫn không sao vượt quá tôn giáo được. Thương kẻ địch được, song vẫn không thể thương kẻ khác tín ngưỡng. Bất cứ gì cũng nhân nhượng và khoan thứ, nhưng hể va đến Thượng đế và tôn giáo, cái tinh thần không khoan dung, không bác ái lập tức lộ mặt. Thập tự quân chinh đông, cuộc chiến giữa Tân và Cựu của Cơ Đốc đã được minh chứng trong lịch sử.

Phật pháp, nhất là trọng tâm tư tưởng đặt nền tảng “mọi người đều bình đẳng” với lý luận mọi chúng sinh đều có Phật tính nên tình thương trong Phật pháp không có giới hạn, tuyệt đối và vô điều kiện. Phật pháp không những dạy yêu thương kẻ thù mà còn dạy yêu cả những người dị giáo. Hằng sa chúng sinh, nếu chưa độ hết, thệ không thành Phật. Đối với các hữu tình bị vô minh tập khí che mờ, không mở bầy được Phật tính vốn sẵn đủ, Đức Phật tự nhiên sinh khởi tâm từ bi. Huệ nhãn của Ngài thấy rõ bổn tính của chúng sinh là Phật tính, vì vậy đối với chúng sinh chưa thành Phật, Ngài cảm thấy đó là sự thiếu sót của Ngài, nên Ngài cho đến suốt đời vị lai, thành thục cho chúng sinh khiến họ thành được Phật đạo.

Mười phương chư Phật thời thời khắc khắc ở nơi cảnh giới “Ta cùng chúng sinh đồng một thể”. Chỉ có từ nơi cảnh giới cao thâm này, khởi tâm đại bi và bác ái mới chính là tình thương vô tư và bình đẳng, triệt để và viên mãn, vượt hết mọi phân biệt và giới hạn.

●Sự thanh tịnh của tâm linh và lòng thương yêu tất cả sinh vật đã được dạy dỗ bởi Đức Phật. Ngài không nói đến tội lỗi mà chỉ nói đến vô minh và điên cuồng là những chứng bệnh có thể chữa khỏi bởi sự giác ngộ và lòng từ bi. (Tiến sĩ S.Radhakrisnan, “Đức Phật Cồ Đàm”)

●Lần đầu tiên trong lịch sữ loài người, Đức Phật khuyến dụ và kêu gọi con người không nên làm hại sanh mạng, không nên cầu nguyện và hy sinh thân mạng cho các thần linh. Với tất cả tài hùng biên Ngài đã có lần hùng hồn tuyên bố rằng thần linh cũng cần giải thoát cho chính họ. (Giáo sư Rhys Dadis)

4.- PHẬT PHÁP TRỌNG LÝ TÍNH VÀ DÂN CHỦ:

Nơi các tôn giáo, lời của Thượng đế hay vị Giáo chủ phải được tuân theo, không được thắc mắc. Phật pháp không vậy, Phật giáo đồ có thể tiếp thọ hay không lời nói của Phật. Bởi lẽ đạo lý của Phật dạy có rất nhiều mặt vì căn cơ và trí tuệ của chúng sinh không đồng, nên Phật giáo đồ có thể chỉ tiếp nhận một bộ phận đạo lý nào đó thôi. Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh có chép rõ: “Khi Phật sắp nói pháp thượng thừa khó tin, bấy giờ có năm ngàn thính chúng, cho rằng mình đã được giải thoát, không cần phải nghe, nên bỏ ra đi. Đức Phật chẳng hề nỗi giận, truy cứu hay trách phát, Ngài chỉ nói: “Cơ duyên của họ chưa thành thục, nếu nghe mà không tin ắt đưa đến phản cảm, tăng gia tội nghiệp, chẳng bằng để họ ra đi”. Thật là tinh thần dân chủ cực độ.

5.- VÃNG SINH TỊNH ĐỘ CỦA PHẬT GIÁO KHÁC VỚI VĨNH SINH THIÊN ĐƯỜNG CỦA TÔN GIÁO:

Những người không hiểu Phật pháp cho rằng: Tín đồ Cơ Đốc cầu nguyện Thượng đế, chết được lên Thiên đường, cũng giống như niệm Phật được vãng sanh Tịnh độ. Lời này thoạt nghe có vẽ không sai, song ngẫm kỷ lại thì hai sự việc này khác biệt hẳn nhau.

Thiên đường, Địa ngục trong các tôn giáo, tựa hồ là những chốn đối lập với thế gian. Nhân thế tạm thời là chốn khảo nghiệm, còn thiên đường và địa ngục mới thực sự là nơi chốn vĩnh cửu, đây quả là luận điệu tiêu cực và hữu hạn. Tịnh độ của Phật giáo, căn bản khác hẳn, vũ trụ quan của Phật giáo thực vô hạn. Khi mỡ bầy cảnh giới trang nghiêm bao la của chư Phật, Đại thừa Phật giáo đã chỉ bầy rõ ràng tính vô hạn của vũ trụ. Trong pháp giới vô tận đã có hằng hà vô số thế giới. Cho nên thiên đường của tôn giáo chỉ có một, còn tịnh độ trong Phật pháp nhiều đến độ không thể tính đếm. Như cõi Tây phương Tịnh độ của Phật A Di Đà, chỉ là một cõi tịnh độ trong pháp giới bao la, không cùng không tận. Hơn thế nữa trong Phật pháp, nghĩa của Tịnh độ còn có thể ở ngay tại thế giới này. Trong kinh Duy Ma Cật nói: “Tâm tịnh ắt quốc độ tịnh”. Hể tự tịnh được tâm mình, thì cõi này tức chính là tịnh độ.

Các tôn giáo khác gọi việc lên thiên đường là vĩnh sinh, được ở chung với Thượng đế để hưởng thụ các sự vui thú. Phật pháp căn cứ vào lý nhân quả, nhận chân rằng, nhân thiện hữu hạn tất không thể đạt được thiện quả vô hạn. Vì vậy lên thiên đường hưởng thụ, hể hưởng hết nhân thiện rồi, thì lại đọa lạc, chẳng khác gì ngửa mặt bắn tên lên trời, hể thể lực của mủi tên hết, ắt phải rơi trở lại. Vãnh sinh tịnh độ trong Phật pháp cho rằng, nương vào tịnh nhân của minh mà đạt được hoàn cảnh lợi ích cho sự tu hành, lại do sức cảm ứng nơi nguyện lực của chư Phật, nhất nhất đều giúp ta tu tập. Tu hành thành tựu rồi, y theo nguyện lực của mình, có thể đến các thế giới vô tận khác, hay trở lại thế giới này để độ thoát chúng sinh, không nhất định phải vĩnh viễn trụ ở tịnh độ.

Những bất đồng giữa giáo nghĩa của Phật và các tôn giáo có rất nhiều nhưng trên đây chỉ là những điểm so sánh dễ thấy và phổ thông mục đích là nêu rõ những đặc tính của Phật pháp. Phật giáo tuyệt đối không hủy báng các tôn giáo. Phật pháp tin rằng chúng sinh căn tín bất đồng, nên phương cách giáo đạo không thể chỉ có một, các tôn giáo và triết học đều có giá trị và công dụng. Tôn giáo nào cũng có thể phát sinh tác dụng giáo hóa và lợi ích cho một hạng chúng sinh vào một thời điểm và không gian nào đó./-

●Phật giáo là một phương thức để đạt được lợi lạc cao nhất từ cuộc sống. Phật giáo là một tôn giáo của trí tuệ mà ở đấy kiến thức và thông minh chiếm ưu thế. Đức Phật không thuyết giảng để thâu nạp tín đồ mà là để soi sáng người nghe. (Một văn hào Tây phương)

●Trên quả địa cầu này, Ngài đem đến những chân lý có giá trị trường cữu để thúc đẩy đạo đức, tiến bộ không chỉ riêng cho Ấn Độ mà cho cả nhân loại. Đức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại, kỳ tài chưa từng có trên hoàn vủ. (Albert Schweizer, Một nhà triết học Tây phương)

●Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông điệp của Đức Phật sáng chói như vần thái dương rực rỡ. Có lẽ không bao giờ thông điệp của Ngài lại thiết yếu hơn trong thời đại bom nguyên tử, kinh khí ngày này. Hai ngàn năm trăm qua đã tăng thêm sinh khí và chân lý của thông điệp này. Chúng ta hảy nhớ lại bức thông điệp này và cố gắng phát triễn tư tưởng và hành động của mình theo ánh sáng giáo lý của Ngài. Có thể chúng ta phải tập bình thảng đương đầu, ngay cả với sự khủng khiếp của thời đại nguyên tử và góp phần nhỏ của mình trong việc thực tập nghĩ đúng (chánh tư duy) và hành động đúng (chánh nghiệp). (Tổng thống Nehru)

Thị Nguyện Huỳnh Ngọc Trọng

17/01/2016

Soạn theo tài liệu:

• Đức Phật và Phật pháp (NARADA THERA - Phạm Kim Khánh dịch)

• Phật Pháp Là Gì (Giáo sư TRƯƠNG TRỪNG CƠ – Thích Thiện Huệ dịch)

• Đức Phật trong cái nhìn của các nhà khoa học (Nguồn: INTERNET)


Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page